Ý nghĩa lễ Tự Tứ trong Phật giáo Nam Truyền
Trong Phật giáo Nam Truyền, lễ Tự Tứ mang ý nghĩa thỉnh cầu chư Tăng chỉ ra những lầm lỗi, nhắc nhở để hoàn thiện bản thân trên con đường tu tập Phật pháp. Đây là một buổi lễ quan trọng của chư tăng, được xem như nghi thức đánh dấu kết thúc của mỗi mùa An cư kiết hạ.
Lễ Tự Tứ là gì?
Lễ Tự Tứ (Pavāraṇā) là một ngày lễ quan trọng không thể thiếu của Phật giáo. Đây là nghi thức đánh dấu cho sự kết thúc của chuỗi ngày An cư suốt 3 tháng của chư Tăng.
Dựa theo truyền thống của Phật giáo Nam Truyền, thời gian của mùa An cư kiết hạ được tính từ ngày 16/6 kéo dài đến ngày 15/9 âm lịch thì kết thúc. Sau khi hoàn thành xong 3 tháng nhập hạ, chư Tăng sẽ tiến hành hội hộp lại tại trú xứ để tiến hành thực hiện các nghi thức của lễ Tự Tứ.
Thời gian để thực hiện lễ Tự Tứ sẽ được linh động kể từ sau ngày 15/9 cho đến trễ nhất là vào ngày 15/10 âm lịch. Theo truyền thống Lễ phải được thực hiện trong thời gian mùa mưa, không được kéo dài đến hết mùa mưa.
Tự Tứ là tên gọi được dịch từ Pavāraṇā và được sử dụng rộng rãi trong đạo Phật. Từ Pavāraṇā khi được dịch ra được hiểu với nghĩa là sự thỉnh cầu, lời yêu cầu hay sự thỉnh tội. Vậy nên, lễ Tự Tứ là nghi thức thỉnh cầu chư Tăng đưa lời nhắc nhở, khuyên răng, chỉ ra lỗi lầm của bản thân trong thời gian nhập hạ. Từ đó, Tỳ kheo có thể nhìn thấy lỗi sai của bản thân mà chỉnh sửa, hoàn thiện lại cho đúng.
Tìm hiểu về nguồn gốc lễ Tự Tứ
Lễ Tự Tứ được xem là một truyền thống đã có từ những ngày Đức Thế Tôn còn tại thế. Không rõ nghi thức này được hình thành từ khi nào, nhưng trong Tạng Luật, Đức Phật có dạy như sau: “Này các Tỳ kheo, đói với những Tỳ kheo đã trải qua mùa An cư ta cho phép thỉnh cầu dựa trên ba tình huống là do đã được thấy, do đã được nghe hoặc do đã sự nghi ngờ. Bằng và cách này, các ngươi sẽ có được sự hòa thuận, có được sự thoát ra khỏi tội và có được sự hiểu rõ hơn về Luật.”
Một điển tích kinh tạng khác cũng có ghi chép lại rằng:
Một thuở nọ, khi Đức Thế Tôn trú ở Sāvatthi, thuộc Đông Viên, giảng đường Lộc Mẫu cùng với khoảng 500 vị đại chúng Tỳ kheo đều đã chứng quả A-la-hán. Lúc bấy giờ cũng là thời điểm kết thúc 3 tháng An Cư Kiết Hạ. Thế Tôn đã cùng chư vị Tôn giả đã cùng nhau thỉnh cầu lời nhắc nhở, chỉ ra lỗi lầm khi nhập hạ:
Này hỡi các Tỳ kheo, nay Ta mời các ông nói lên, các ông có điều gì chỉ trích Ta hay không, về thân hay về lời nói?
Nghe Thế Tôn nói như vậy, một vị Tôn giả đã từ chỗ ngồi của mình đứng dậy, đắp thượng y vào một bên vai và cung kính chắp tay vái chào Thế Tôn, ngài bạch rằng:
-Bạch Thế Tôn, từ con đường chưa sanh khởi, Ngài đã làm cho sanh khởi; con đường chưa được biết, Ngài đã dẫn lối làm cho rõ biết; con đường chưa được thuyết giảng, Thế Tôn thuyết giảng. Ngài biết đạo, hiểu đạo và thiện xảo về đạo. Bạch Thế Tôn, nay đệ tử là những vị sống hành đạo và sẽ thành tựu những pháp ấy về sau. Và bạch Thế Tôn, con xin mời Ngài nói lên, Thế Tôn có lời gì chỉ trích con hay không, về thân hay về lời nói?
– Này Sāriputta, Ta không có gì chỉ trích ông về thân hay về lời nói.
– Bạch Thế Tôn, đối với năm trăm vị Tỳ -kheo tại đây, Ngài có gì chỉ trích về thân hay về lời nói hay không?
– Này Sāriputta, đối với các vị Tỳ kheo này, Ta không có gì chỉ trích về thân hay về lời nói.
Bắt đầu từ đây, lễ Tự Tứ được khởi phát và lưu truyền như một truyền thống cao đẹp của Phật giáo cho đến ngày nay.
Ý nghĩa của lễ Tự Tứ trong Phật giáo Nam Truyền
Trong xã hội từ bao đời nay, cái tôi và lòng tự ái luôn chiếm một vị trí không thể xóa bỏ trong tâm thức của mỗi người. Ai ai cũng thiên hướng về những lời ca ngợi, những câu từ ngọt ngào nâng cao bản thân. Nhưng cũng chính những lời hay ý đẹp ấy đôi khi chính là con dao hai lưỡi đẩy ta vào vòng luân hồi không lối thoát của bản ngã.
Một cá nhân với cái tôi quá lớn sẽ rất khó để có thể tự phát triển bản thân và đôi khi còn đem lại những ảnh hưởng to lớn đến một tập thể, một cộng đồng. Chính vì vậy, lễ Tự Tứ được thực hiện như một lời thức tỉnh, một phương thức để bản thân người tu sĩ có thể thỉnh tội đầy tế nhị và lòng vị tha.
Theo quan niệm của Phật giáo, quá trình thực hiện lời thỉnh cầu, lắng nghe nhận xét của người khác về bản thân là một cách để chư tăng có thể tự nhìn nhân, kiểm điểm lại chính mình một cách toàn diện nhất. Lựa chọn tuân theo, thành tâm xám hối những lời chỉ dạy đúng đắn của chư tăng là một cách để bản thân Tỳ kheo có thể thanh tịnh.
Bởi những hành động xuất phát từ thân, lời nói từ khẩu, và những suy nghĩ xuất phát từ tâm khi đã phát ra thì cần phải được nhìn nhận từ chủ thể thì mới thực sự có ý nghĩa. Cũng chính vì lẽ đó, khi mọi thành viên trong Tăng đoàn cùng nhau chỉ ra những lỗi lầm, điều sai của nhau thì tất cả mới có thể hoàn thiện, xứng đáng với sự yêu thương dưới ánh hào quang chư Phật, là bậc phước điền của nhân thiên. Có thể cùng nhau chung tay xây dựng Tăng đoàn với cuộc sống cao khiết, thanh tịnh và đầy an lạc.
Lễ Tự Tứ là khoảng thời gian đánh dấu sự nhìn nhận hành trình tu tập của Tăng đoàn và từ đó giúp đỡ nhau phát triển tốt hơn trên con đường tu tập, mang ý nghĩa to lớn không chỉ riêng cho một cá nhân mà còn là cả một tập thể. Chính vì vậy, dù đã trải qua một chặn đường lịch sử phát triển dài và đầy biến động, đây vẫn luôn là một nghi thức không thể thiếu của Phật giáo sau mỗi mùa An cư.
Có thể bạn quan tâm: