Cách niệm hơi thở (Anapanasati)

Luận về quán hơi thở

Tìm hiểu về các tầng Thiền

Tứ Niệm Xứ – 4 nền tảng của chánh niệm

Hỏi-Đáp về lợi ích của Định (samatha)

Thiền định và Thiền quán

Những Điều Cần Biết Trong Hơi Thở

Thiền định và Thiền quán

Thiền định và Thiền quán

Thiền định (thiền chỉ) và thiền quán (thiền Minh Sát Tuệ còn gọi là thiền Tứ Niệm Xứ hoặc thiền Chính Niệm)

Các sư Thái Lan đều tu tập thiền Minh Sát Tuệ, vốn được một số người xem như một phương pháp thiền đặc biệt của Phật giáo Nguyên Thủy.  Tuy nhiên, theo các sư Nam Tông, thiền Minh Sát Tuệ không phải là phương pháp thiền của Phật Giáo Nam Tông mà là thiền của  Phật giáo, là tinh hoa của Phật giáo, nói đúng hơn, thiền Minh Sát Tuệ là pháp thiền duy nhất do chính đức Phật Thích Ca khám phá ra và đưa người tu tập đến giải thoát, chứng ngộ Niết Bàn.

Đối với một Phật tử từ xưa đến nay vẫn tin rằng có nhiều con đường khác đưa đến sự giải thoát như tôi thì điều này nghe ra thật lạ lùng, chẳng phải nhiều sách vở đã từng viết rằng chúng sinh có 84.000 bệnh khổ và đức Phật có 84.000 pháp môn, tùy theo căn cơ, mỗi chúng sinh có thể chọn một pháp môn để tu tập để giải trừ phiền não, pháp môn nào cũng đưa đến sự giải thoát như nhau vì pháp Phật tuy có khác nhau do “khéo sử dụng phương tiện” nhưng “không có sự cao thấp”.

Do vậy, đối với tôi đơn giản thì thiền niệm Phật, thiền sổ tức quán, thiền công án, thiền quán  v.v…và v.v… thiền nào cũng là pháp Phật cả.

Một kẻ có tật xấu tò mò như tôi thì chắc chắn là không thể bỏ qua chuyện này. Tôi quyết định tìm hiểu và được các sư giải thích rằng, khi mới xuất gia thái tử Siddatta trước tiên tu thiền định (thiền chỉ). Ngài được đạo sĩ Alaka Kalama dạy cho Ngài các phép định như không vô biên xứ, thức vô biên xứ và cuối cùng là vô hữu sở xứ.

Mặc dù tu tập rất giỏi và đã lần lượt thực hiện được các phép định này trong một thời gian rất ngắn, sa môn Gotama nhận thấy rằng các loại định này, cho dẫu là định cao nhất mà Ngài được học qua là vô hữu sở xứ,  cũng không giải quyết rốt ráo được những đau khổ của vấn đề sinh tử, cũng như không thể đưa người thực hành đến sự giác ngộ hoàn toàn, cho nên Ngài  đã từ giã đạo sư Alaka Kalama để tìm con đường giải thoát.

Sa môn Gotama sau đó gặp đạo sĩ Udakka Ramaputta. Đạo sĩ này dạy cho Ngài phép thiền định phi phi tưởng xứ là một loại định rất thâm sâu, ngài đã thực tập và đạt được mức định này trong một thời gian ngắn. Ông Udakka, do quá khâm phục sự thông minh của Ngài,  đã mời Ngài ở lại để cùng ông cai quản đồ chúng và hứa sẽ để lại đồ chúng cho Ngài sau khi ông qua đời vì ông cũng đã gần đất xa trời nhưng Sa môn Gotama  vẫn từ giã ông đạo sĩ Bà Là Môn này ra đi.

Ngài quyết định lên đường đi tìm chìa khóa của sự giải thoát vì cũng như lần trước Ngài cảm thấy rằng mặc dù đã thực hành tám thiền chứng và đạt định phi phi tưởng xứ nhưng định này cũng không giải quyết rốt ráo được những đau khổ của  vấn đề sinh tử cũng như không thể đưa người thực hành đến sự giác ngộ hoàn toàn.

Sau đó sa môn Gotama thử  tìm chân lý qua pháp tu khổ hạnh trong sáu năm cho đến khi kiệt sức và nhận ra rằng hành hạ xác thân cũng không thể đem lại sự giải thoát. Ngài sau đó quyết định buông bỏ mọi kinh điển và truyền thồng, ăn uống trở lại bình thường  và ngồi dưới gốc cây Bồ đề quán chiếu cảm giác (thân) và tri giác (tâm) cùng với những đối  tượng của chúng theo cách của Ngài. Nhờ thực hành thiền quán (Minh Sát Tuệ), Ngài đã khám phá ra chân lý cao thượng nhất Tứ Diệu Đế và Bát Chính Đạo, con đường độc nhất để thanh lọc chính kiến. Ngài đắc lục thông và chứng ngộ Niết Bàn mà không cần sự giúp đỡ bên ngoài nào khác ngoại trừ trí tuệ toàn giác của Ngài.

Sau khi giác ngộ, trên đường Đức Phật  đi đến vườn Lộc Uyển để ban bài pháp Chuyển Pháp Luân đầu tiên cho anh em Kondanna.  Một vị ẩn sĩ tình cờ gặp và hỏi Ngài là đệ tử của ai? Ngài theo giáo pháp nào? Ðức Phật trả lời rằng: “Như Lai không có thầy, Như Lai không có ai ngang hàng, Như Lai là một người hiểu biết tất cả”.

Với câu trả lời của mình, Đức Phật  đã khẳng định Ngài là bậc có trí tuệ toàn giác, không thầy chỉ dạy,  Ngài tự chứng ngộ chân lý, đã đạt chính quả cao tột nhất bởi nỗ lực phi thường của chính mình.

Do vậy, Phật tử chúng ta khi xưng tán đức Phật thường đọc câu “Namo Tassa Bhavagato Arahato Samma Sambuddhasa”. Câu nầy nghĩa là: “Con đem hết lòng thành kính đỉnh lễ đức Thế Tôn. Ngài là bậc A La Hán cao thượng, đã chứng quả Chính Biến Tri, do Ngài tự ngộ, không thầy chỉ dạy.”

Điều này cho ta thấy rằng, thiền Minh Sát Tuệ là một phương pháp thiền của Phật giáo, hay đúng hơn là một pháp thiền của riêng Đức Phật khám phá ra. Nếu Đức Phật  tu thiền định để giải thoát thì Ngài không thể nói là Ngài không có thầy mà trái lại Ngài phải nhận hai ông thầy Bà La Môn là thầy của Ngài.

Các sư nói rằng Đức Phật dạy con người có 84.000 phiền não và Đức Phật có 84.000 pháp môn để đối trị phiền não. Tuy nhiên nếu muốn đạt được sự giải thoát thì chỉ có một con đường duy nhất là  Bát Chính Đạo tức Đạo Đế nằm trong chân lý Tứ Diệu Đế, việc tu tập thiền Minh Sát Tuệ là nằm trong Bát Chính Đạo.

Việc đạt được định qua thiền  định cũng quan trọng nhưng định không đưa lại sự giải thoát vì định chỉ có thể thanh lọc tâm ở bề nổi mà không thể phá vỡ những thói quen, hành động, phiền não ngủ ngầm sâu thẳm trong tâm.

Thiền quán đi sâu hơn vào tâm thức, tìm đến cội nguồn của những ô uế và bất thiện để quán sát sự thật, giải quyết tận gốc những phiền não vi tế ngủ ngầm trong tâm, đưa đến trí tuệ viên mãn và sự giải thoát.

Ðối với Phật tử chúng ta, có cơ duyên được hành pháp thiền nầy cũng giống như được ăn một món ngon và bổ dưỡng có người dọn sẵn cho. Đức Phật Thích Ca đã từ bỏ mọi thứ, trải qua bao lao nhọc để tìm ra pháp môn tu tập này, chúng ta là những người có cơ may hiếm có được thừa hưởng một pháp môn quý báu đã được ghi lại trong Kinh điển và được lưu truyền qua sự chỉ dạy của các vị thầy môn đệ của Ðức Phật, một pháp môn được xem  là cao diệu nhất trong tất cả các pháp môn.

Bao lâu nay  tôi vẫn không hiểu tại sao càng ngày càng có nhiều người Tây Phương lặn lội sang các nước Phật giáo Nam Tông như Miến Điện, Thái Lan và Sri Lanka …để học thiền Minh Sát Tuệ.  Nay thắc mắc của tôi đã được giải tỏa.  Người Tây Phương tuy học Phật sau tôi, nhưng do bản tính luôn nghiên cứu, tìm hiểu kỹ càng sự việc nên họ đã tìm hiểu Phật giáo đến nơi đến chốn trước khi nhận Đức Phật Thích Ca làm thầy của mình nên họ hiểu được tinh hoa của Phật giáo nằm ở chỗ nào và chìa khóa giải thoát nằm ở đâu,  đó là lý do tại sao họ chọn Minh Sát Tuệ để tu tập.

Như một chi tiết để tham khảo thêm, tôi được giải thích rằng một số ít  vị thiền sư tu phép thiền định, do  tâm nguyện nào đó, quyết định để lại nhục thân của mình, trong khi các thiền sư tu thiền quán không để lại nhục thân vì trong khi tu tập các ngài đã  tự thân chứng được Vô Thường, Khổ và Vô Ngã  nên thấy xác thân này chẳng có gì cần phải để lại khi lìa bỏ cõi đời.

Từ trước đến nay tôi luôn kính ngưỡng đức Phật Thích Ca vì nhân cách và phẩm hạnh cao quí và vĩ đại của Ngài. Giờ đây lòng tôi trào dâng những xúc cảm khi nghĩ đến ân đức cao dày của Ngài. Sau khi tham quan Thai Human Imagery Museum, chúng tôi ghé vào  Phera Pathom Chedi, ngôi chùa cổ nhất Thái Lan. Khi tôi quỳ trước chính điện để đỉnh lễ Đức Phật,  tôi thấy mắt tôi mờ lệ.

Trích từ:  Bankok Kí Sự, Quảng Hiền

Nguồn:  Thư Viện Hoa Sen

Cùng chuyên mục

Những Điều Cần Biết Trong Hơi Thở

Những Điều Cần Biết Trong Hơi Thở

Hơi thở còn, sự sống còn, Hơi thở mất, mất tất cả! Trong đời sống nhân loại nói riêng, tất cả sinh vật có sự sống nói chung, hơi thở...

Hỏi-Đáp về lợi ích của Định (samatha)

Hỏi-Đáp về lợi ích của Định (samatha)

HỎI ĐÁP 5 Hỏi 5.1: Tám thiền chứng (samā patti) [21] có thể dùng làm phương tiện để đạt đến Danh Sắc Phân Tích Trí (nāma-rūpa pariccheda ñāṇa), và để thấy ra sự...

Tứ Niệm Xứ - 4 nền tảng của chánh niệm

Tứ Niệm Xứ – 4 nền tảng của chánh niệm

Tứ Niệm Xứ - 4 nền tảng của chánh niệm Tỳ Khưu Brahmavamso Giới thiệu: Ðại đức Brahmavamso là vị lãnh đạo tinh thần của hội Phật Giáo Tây Úc, và...

Tìm hiểu về các tầng Thiền

Tìm hiểu về các tầng Thiền

Tìm hiểu về các tầng Thiền Các tầng Thiền khi đã được phát triển đầy đủ thì trở thành rất sâu và vững chắc đó là giai đoạn An chỉ...

Ẩn